br />
Chú Tám, em họ ông Quan tiếp khách và hết sức ngạc nhiên khi nghe thanh niên hỏi:
- Đây có phải là nhà của cô Ngọc Dung? Tám Tân hỏi:
- Anh là gì của Ngọc Dung?
Chàng trai có vẻ thật thà:
- Dạ, cháu chưa quen cô Ngọc Dung, nhưng tình cờ cháu nằm mơ thấy cô ấy nên cháu muốn gặp.
Cha mẹ của chàng trai đi cùng đã lên tiếng giải thích:
- Thằng con tôi vốn bị câm bẩm sinh từ nhỏ, bỗng nhiên ba hôm trước nó phát lên nói được! Người đầu tiên được nó gọi chẳng phải là ba nó hay tôi, mà là cô Ngọc Dung nào đó! Rồi nó hối thúc vợ chồng tôi tới đây liền, nói Ngọc Dung chính là vợ của nó! Chúng tôi phải hỏi thăm đường khá lâu mới tới được đây…
Tám Tân buồn bã lắc đầu:
- Đúng đây là nhà Ngọc Dung. Nhưng cháu tôi đâu còn nữa mà tìm. Chàng trai vẫn tỉnh khô, nói với cha mẹ mình:
- Nhân nhà này bán, mình mua luôn đi.
Khi mua xong nhà, chàng trai thấp nhang lên bàn thờ với ảnh chân dung của Ngọc Dung do Tám Tân tặng lại, và khấn rất chân thành:
- Anh tới đây tìm em mà không gặp, nhưng anh vẫn tin chắc là thế nào cũng gặp được em.
Bà mẹ anh can:
- Thôi con à, bây giờ con đã hết bệnh rồi, muốn lấy vợ thì để ba má kiếm cho, thiếu gì.
Chàng trai gay gắt:
- Má còn nói vậy thì con tức mà trở bệnh, hết nói được bây giờ. Con chỉ có mỗi Ngọc Dung là vợ thôi!
Rồi anh dịu giọng phân trần, để mẹ anh an tâm:
- Thời gian con bệnh như sống trong thế giới khác. Thế rồi tình cờ con gặp được nàng, chính nàng đã cứu con. Như vậy làm sao con có thể rời xa nàng được. Số con với nàng là do trời định, nên bây giờ có âm dương cách trở con cũng quyết ở đây cùng nàng.
Nghe con nói vậy, ông bà Hữu Châu đành nghe theo. Bà chỉ ngại:
- Xưa nay con chỉ ở nhà và được má lo cho, bây giờ ở riêng như vậy làm sao được? Con nên để má ở lại đây, được không Hữu Phước?
Hữu Phước là tên của chàng trai, chàng trấn an mẹ:
- Con đã ngót ba chục tuổi đầu rồi, có còn con nít nữa đâu, má đừng lo. Má còn phải lo cho ba và mấy đứa em nữa, ba má cứ về đi, khi nào ổn định thì con sẽ về báo tin vui cho ba má!
Ông Châu cười buồn:
- Ba má lo mất ăn mất ngủ chứ vui nỗi gì! Phước lại phải trấn an:
- Ba đừng lo. Con bây giờ khác với thằng Phước câm, Phước khùng như trước đây rồi!
Ngôi nhà sau khi mua xong, thay vì phải sửa chữa như lệ thường khi đổi chủ, nhưng Phước vẫn giữ nguyên. Và ngạc nhiên hơn nữa là anh ta lại cho giữ nguyên bàn thờ ông bà Quan trong nhà. Anh giải thích với cha mẹ:
- Tuy chưa là con rể, nhưng con vẫn coi mình là người của gia đình này rồi, vậy con xin được phép thờ phụng ông bà ấy.
Chiều lòng con nên ông bà Châu ra về, lần đầu tiên để đứa con trai tật nguyền ở lại một mình.
Nhưng trái với sự lo lắng của cha mẹ, Hữu Phước sống một mình trong ngôi nhà đó như sống ở chính nhà mình! Anh sinh hoạt hằng ngày một cách khá tự nhiên đến đỗi những người láng giềng có cảm giác anh chính là con rể của ông bà Quan, chứ không phải kẻ mua nhà.
Vào một buổi sáng, khi thấy có xe hơi của quận Quy ngừng trước cửa thì người hàng xóm hốt hoảng chạy sang gọi Phước:
- Nguy rồi cậu Phước ơi.
Phước đã nhìn thấy xe quan, nhưng anh vẫn tỉnh như không: - Có gì mà phải sợ?
Người kia hạ thấp giọng:
- Lão ta là người đã bắt con Ngọc Dung đi ngày trước đó. Lão ác ôn khét tiếng xứ này!
Phước đứng chống nạnh, hất hàm về phía quận Quy bảo: - Cần gì thì vào đây!
Quận Quy không còn vênh mặt hung hăng như mấy tháng trước, mà trái lại khi thấy mặt Phước thì dịu giọng ngay:
- Dạ, tôi... tôi là quận trường Quy. Tôi tới theo lệnh của… của…
Lão ta nói mà khúm núm như đang đứng trước cấp trên. Bà hàng xóm tròn xoe mắt nhìn, không tin vào mắt và tai mình nữa. Vừa khi ấy, Phước cất tiếng dõng dạc:
- Vào đây!
Đúng là trời đất sắp đảo lộn tới nơi rồi! Bà hàng xóm sợ quá tìm cách rút lui, bởi sợ lão quận nổi trận lôi đình.
Nhưng trái với suy nghĩ của bà, quận Quy riu ríu bước vào sân, có cả hai tên lính hầu đi theo. Chúng đang khệ nệ khiêng vật gì đó...
- Đặt lên đây!
Phước ra lệnh cho đặt chiếc hộp gỗ sơn son thếp vàng lên bàn thờ có ảnh chân dung của Ngọc Dung. Hai tên lính răm rắp làm theo. Sau đó chúng lùi ra ngoài, không dám nhìn lại. Chỉ còn lại Phước và quận Quy. Phước nói như quát:
- Quỳ xuống!
Chuyện khó tin mà có thật. Quận Quy quỳ xuống trước hai bàn thờ. Mặt lão ta như không còn thần sắc!
Và càng bất ngờ hơn, ngay sau đó lão ta dập đầu lạy một cách nghiêm túc và thành kính!
Phước thì đứng khoanh tay nhìn, như giám sát hành động đó. Lát sau, anh mới lên tiếng:
- Chưa xong đâu!
Lời của anh vừa dứt thì lập tức quận Quy đặt ngay bàn tay trái của hắn xuống nền nhà, tay kia lấy con dao thủ sẵn trong áo ra và nhanh như chớp, phập mạnh xuống!
Nguyên bàn tay của hắn đứt lìa, văng ra cả thước! Lão quận lúc đó bật ngửa ra đau đớn, nhưng không dám cất tiếng kêu!
Phước quay ra ngoài sân, quát lớn: - Đưa nó về!
Hai tên lính hầu răm rắp tuân lời. Chúng kè tên quận trưởng ra xe và vù đi một nước, không dám nhìn lại!
Lúc này Phước mới bước tới mở chiếc hộp gỗ trên bàn thờ ra. Trong đó đựng tro cốt của Ngọc Dung!
Một tuần sau, lại có xe hơi tới đậu trước cổng. Lần này có người hàng xóm khác nhận diện đó là xe của tên tỉnh trưởng!
Cũng hai tên lính hầu mang vào nhà một chiếc hộp gỗ. Chúng kính cẩn nói với Phước:
- Quan tôi trả nợ cho ngài!
Phước mở ngay hộp ra, trong đó có một lọ thủy tinh chứa đầy nước trong suốt, giữa lọ có một vật gì đó dài gần gang tay, giống hình quả chuối. Vừa trông thấy, Phước phá lên cười:
- Phải vậy chớ!
Khi hai tên lính trở ra rồi, Phước mới lấy một lọ thủy tinh khác đặt sẵn dưới gầm bàn thờ. Trong lọ có một bàn tay người tím tái!
Phước rất hài lòng. Anh khấn trước bàn thờ Ngọc Dung:
- Nợ anh đã đòi cho em rồi. Từ nay em có thể yên ổn ở cõi u linh đó. Mừng cho em!
Ngày hôm sau, cả tỉnh lỵ đều xôn xao trước tin quan đầu tỉnh bỗng dưng bị nạn. Mà tai nạn lại xảy ra đúng lúc ông ta đang ngủ mới lạ!
Một tay thân tín tiết lộ bí mật:
- Nửa đêm, bỗng người nhà nghe lão ta thét lên một tiếng. Khi mọi người chạy vào thì thấy trên tay lão ta còn cầm con dao, mà hạ bộ thì đã bị cắt lìa!
Chẳng ai biết nguyên nhân. Hỏi thì lão ta chỉ im lặng như sợ hãi điều gì đó...
Có một đạo sĩ lạ, xuất hiện trước cổng nhà của Hữu Phước. Ông ta nói vang vào trong:
- Như thế là đủ rồi. Oán thù nên mở chứ không nên buộc. Việc đã xong thì nhà này cũng nên trả lại cho họ.
Nói xong, lão biến đi rất nhanh.
Từ trong nhà Phước nhìn ra, im lặng không nói gì. Sau đó, anh bước tới ôm hũ tro cốt của Ngọc Dung rồi lặng lẽ rời khỏi nhà...
Phước trở về nhà cha mẹ ruột. Lần này anh lại trở thành một người khác: Sống khép kín, không nói gì với ai.
Mẹ anh hỏi nhiều điều về Ngọc Dung thì anh chỉ đáp gọn:
- Kiếp nàng như đóa phù dung. Sớm nở tối tàn. Con sẽ đợi ở kiếp khác...