Lời nói của An như một mặc định mơ hồ về nỗi sợ ham muốn thứ không bao giờ có được. "Tính tớ thờ ơ. Tớ sẽ làm tổn thương cậu..." Lập luận của tôi trở nên yếu ớt. Tôi không nói được điều cần nói với cô bạn tôi yêu quí nhất.
"Cậu là đồ hèn. Cậu thậm chí còn sợ tổn thương bản thân hơn cả việc yêu tớ. Để tớ yên." Hoài An hét lên, chạy lao vào mớ âm thanh hỗn độn bên ngoài. Đứng sững một lúc, tôi quay lại, nghiêng đầu qua khe cửa. Cô bạn lao đi giữa lác đác đám đông với tiếng máy ảnh, chùi những giọt nước vỡ trên má. Tôi nhìn bàn tay mình, bàn tay cố thản nhiên để không xiết tay Hoài An chặt quá, để không nắm tay Hoài An lâu quá, vừa đập vỡ mối quan hệ gắng giữ bấy lâu.
Tôi kéo cánh cửa sổ lại. Rồi đi về.
3. Năm thứ ba đại học.
Hoài An đổi số. Tôi đến nhà mấy lần, nhưng không gặp ai.
Tôi không nhìn thấy Hoài An nữa. Cuộc sống đại học hỗn tạp đủ người từ khắp mọi nơi. Tôi vẫn giữ thái độ bình thản, nhưng chấp nhận nhiều thứ hơn. Thi thoảng có vài cô bạn gái với lịch hẹn tưởng như thân thiết. Nhưng đâu đó giữa cuộc nói chuyện, tôi khựng lại. Hình ảnh Hoài An như miếng thủy tinh chạy qua đau nhói. Việc mua bóng bay cho người đi cùng hay rủ đi ăn kem trời lạnh trở thành điểm cuốn hút không cơn cớ với những cô bạn. Dù tôi không thể tiến xa hơn.
Tôi không giữ, cũng chẳng sợ mất ai nữa. Sự lãnh đạm để bảo vệ bản thân khỏi căn nguyên đau đớn của cảm xúc, trở thành điều tổn thương cho những người tôi quen. Nhưng mỗi mùa đông, tôi tự kiếm một góc vắng, hé cửa một chút để gió lạnh tìm đường áp vào mặt. Những lúc như thế, tôi nhớ Hoài An khủng khiếp.
Hoài An gọi cho tôi vào một buổi chiều. Một dãy số lạ, tôi cũng không biết là ai, nghe máy thì không ai trả lời, xung quanh cũng tuyệt nhiên không có một tiếng ồn. Cho đến khi dập máy, tôi mới kiểm nghĩ xem ai có thể gọi cho mình. Gọi lại thì chỉ nghe những tiếng tút vô vọng. Nhưng tôi nghĩ là Hoài An. Tôi chắc là cô ấy đến mức khi số đó gọi lại vào nửa đêm, tôi mở máy ngay tức thì, và gọi tên cô. Bên kia chỉ có tiếng thở dài. Rồi dập máy. Tôi nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại cho đến lúc thiếp đi. Hoài An không gọi nữa.
Sáng hôm sau, tôi phóng xe đến nhà An thật sớm. Những mẩu giấy trắng nhỏ ngập sân. Mẹ cô mất hai tuần trước.
Bằng một sự quái gở về truyền đạt thông tin nào đó, tôi đã không biết.
Bố An mở cửa, nhìn tôi với đôi mắt buồn rầu. Căn phòng nhỏ của cô vẫn chẳng thay đổi gì. Hoài An ngồi im trên chiếc giường ga trắng phau, bàn tay mảnh khảnh xếp vào nhau, đặt hờ trên đầu gối. Tưởng như xung quanh cô đã như thế trong thời gian dài, trắng vô thanh và u ám thảm buồn. Tôi khẽ mở cánh cửa cạnh giường. Tiếng còi xe chói tai từ đằng xa vào một buối sớm tấp nập. An dường như đã quen với sự im lặng quá lâu, không khí bên ngoài ùa vào khiến cô giật mình, cánh tay bấu chặt vào thành giường.
Tôi ngồi cạnh cô, cầm nhẹ bàn tay lạnh, giữ ấm trong bàn tay mình. Bằng sự can đảm gom từ nỗi nhớ, tôi vuốt nhẹ tóc mai cô, đặt lên tai cô một nụ hôn sâu.
Phải một lúc lâu, Hoài An mới quay lại, gục đầu vào vai tôi khóc.
Bên ngoài, tiếng xe cộ lịm dần đi. Chỉ còn tiếng chim sẻ ngô.