Có một cô gái, chân bị tật nguyền ngay từ nhỏ, cô thường cảm thấy nỗi cô đơn và sự thèm khát khi ngày qua ngày chỉ biết ngồi ngoài cửa nhìn bọn con nít chơi đùa.
Mùa hè năm nọ, bà con nhà hàng xóm từ thành phố về chơi, dắt theo cả con của họ, một cậu bé lớn hơn cô năm tuổi. Vì đều còn bé nên cậu bé và những đứa trẻ xung quanh làm quen với nhau rất nhanh, cậu tham gia với bọn trẻ cùng trèo núi lội sông, cùng dang nắng nên da đen sạm như nhau. Chúng chơi với nhau rất vui vẻ, chỉ khác một điều là cậu bé không nói tục như những đứa trẻ khác, và cậu còn quan tâm đến cả cô nữa.
Cậu bé là người đầu tiên bỏ chú chuồn chuồn vừa bắt được vào lòng bàn tay cô bé, là người đầu tiên cõng cô bé đến bờ sông, là người đầu tiên kể chuyện cho cô bé nghe, là người đầu tiên nói với cô bé rằng chân của cô có thể trị khỏi được. Phải, cậu chính là người đầu tiên, và có lẽ cũng là người cuối cùng làm những điều như thế cho cô bé.
Cô bé đã biết nở những nụ cười hiếm hoi.
Chẳng mấy chốc mà đã sắp hết hè, cả nhà cậu bé chuẩn bị phải về. Cô bé khóc nức nở đến tiễn chân, cô nói nhỏ bên tai cậu: “Em trị lành chân sẽ gả cho anh nhé?”. Cậu bé khẽ gật đầu.
Ảnh Em… gả cho anh nhé?
Đọc thêm nhiều
tâm sự online tại chuyên mục
Góc tâm sự online
Chớp mắt đã qua hai mươi năm. Cậu bé từ một đứa trẻ hồn nhiên nay đã trở thành một người đàn ông chững chạc. Anh mở một quán cà phê và sắp cưới vợ, cuộc sống trôi qua rất bình dị và êm đềm. Một hôm, anh nhận được một cuộc điện thoại, giọng nhỏ nhẹ của một cô gái từ đầu dây bên kia báo với anh rằng chân của cô đã lành và cô đã đến thành phố nơi anh sống. Lúc ấy, thậm chí anh còn không nhớ ra cô là ai. Anh đã quên câu chuyện mùa hè những ngày còn bé, đã quên mất cô bé có nét mặt xanh xao, càng không nhớ được lời hứa khi xưa.
Sau đó anh gặp cô và vẫn giữ cô lại, để cô vào giúp việc trong tiệm của mình. Anh nhận ra cô dường như im lặng cả ngày.
Nhưng anh không có thời gian để quan tâm đến những điều ấy nhiều hơn, người vợ sắp cưới của anh đã mang thai, khốn thay đứa bé không phải con anh. Anh vừa giận vừa xấu hổ, ném bỏ và đập phá tất cả những thứ chuẩn bị cho lễ cưới, ngày ngày chìm trong men rượu, công việc làm ăn gần như bỏ mặc, tính tình trở nên cộc cằn dễ nóng giận, ngay cả những người thân cũng bắt đầu lảng tránh anh. Không lâu sau, anh lâm bệnh nặng.
Trong khoảng thời gian này, cô luôn túc trực bên anh, chăm sóc anh, bỏ qua và nín nhịn tất cả những trận đòn và lời mắng nhiếc của anh trong lúc say, và cô cũng đã tự mình quán xuyến cái quán sắp phải đóng cửa của anh. Cô đã học được rất nhiều thứ, cũng rất mệt mỏi với tất cả, nhưng ánh mắt vẫn luôn mang một niềm hy vọng.
Nửa năm sau, với sự chăm sóc của cô cuối cùng anh đã khỏe lại. Chứng kiến tất cả những điều cô đã làm, anh cảm thấy cảm kích. Anh giao quán cà phê lại cho cô, cô kiên quyết không nhận. Cuối cùng anh phải tuyên bố cô và anh cùng là chủ tiệm. Dưới sự giúp đỡ của cô, anh đã dần dần chấn tỉnh trở lại, anh xem cô như một người bạn tâm giao, luôn kể hết những suy nghĩ của mình với cô, những lúc ấy cô vẫn im lặng lắng nghe.
Anh không hiểu cô đang nghĩ gì và có lẽ cũng không cần biết chuyện đó, anh chỉ cần có một người kiên nhẫn lắng nghe anh mà thôi.
Cứ như thế mấy năm lại trôi qua, anh cũng quen thêm vài người phụ nữ nữa, nhưng đều không đi đến đâu. Anh không tìm thấy cái cảm giác gọi là tình yêu nữa. Cô cũng vậy, vẫn cứ thui thủi một mình.
Anh nhận thấy thật ra cô rất xinh đẹp và dịu dàng, và cũng có không ít người theo đuổi, nhưng chẳng hiểu sao cô không bận tâm đến ai cả. Anh cười cô quá kén chọn, cô chỉ khẽ mỉm cười.
Đến một ngày, anh không thể chịu đựng cuộc sống bình lặng của mình mãi được nữa, nên quyết định đi ngao du một chuyến. Trước khi lấy hộ chiếu, anh chính thức giao tất cả mọi thứ trong tiệm lại cho cô. Lần này, cô không từ chối nữa, cô chỉ bảo sẽ trông nom hộ anh và đợi anh trở về.
Cuộc sống phiêu bạt nơi đất khách rất gian khổ, nhưng chính trong sự gian khổ đó, anh đã có cái nhìn lớn hơn và trở nên bao dung hơn với tất cả mọi chuyện xung quanh. Tất cả những đau khổ đã qua đều tan theo mây khói, anh chợt nhận ra rằng, cho dù khỏe mạnh hay bệnh tật, nghèo hèn hay giàu có, thuận lợi hay trắc trở, điều thực sự luôn ở cạnh bên anh, chỉ có cô mà thôi. Anh nay đây mai đó, thư của cô vẫn luôn theo ngay sau anh, vài dòng thư đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng luôn khiến anh cảm thấy ấm áp. Anh nghĩ đã đến lúc phải trở về rồi.
Khi về đến nhà, anh cảm thấy rất cảm động vì sự thu xếp chu đáo mà cô dành cho anh. Dù là trong nhà hay ở tiệm, vật dụng của anh, cách bày trí của anh đều được giữ gìn cẩn thận, dường như lúc nào cũng như sẵn sàng chờ đón anh trở về. Anh liền gọi to tên cô, nhưng không ai đáp lại cả.
Tiệm của anh đã đổi người quản lý mới, người đó bảo với anh, cô vì lao lực quá độ đã ngã bệnh và qua đời nửa năm nay. Theo lời dặn của cô, anh ta vẫn nhờ người để ý xem anh đã đi đến đâu để lần lượt gửi đi những bức thư cô đã viết, giúp quản lý công việc trong tiệm hộ anh, dọn dẹp nhà cửa cho anh, đợi ngày anh trở về.
Anh ta còn trao cho anh di vật của cô, một chú chuồn chuồn được ép khô, cùng một cuộn băng ghi âm, là di nguyện trước khi cô mất.
Trong cuộn băng chỉ có giọng nói nhỏ nhẹ của một thiếu nữ: “Em… gả cho anh… nhé?…”
Trải qua hai mươi bảy năm… lúc ấy anh đã bật khóc thật to như một đứa trẻ.
Không ai biết rằng, có những lúc, một người phụ nữ phải dùng cả cuộc đời mình mới có thể nói ra một câu nói đơn giản như vậy.