Cuối tuần trở về Bắc Kinh, Phổ Hoa vào cửa không nén được nhoài lên lưng bố dựa dẫm một lát, khóe mắt tự nhiên ướt đầm. Bố hơi khom người vỗ vỗ tay cô, quở trách: “Đói rồi à?”
Bố vừa nói, Phổ Hoa liền thấy đói, cô ăn rất ngon miệng. Hai bố con cùng gói bánh bao thịt dê, buổi tối lại nhúng vào canh làm vằn thắn.
Sau bữa cơm, bố Diệp mở cuốn cờ phổ ngoài phòng khách, quân cờ bóng loáng trong tay, nghe đài chờ Phổ Hoa.
Phổ Hoa thu dọn đồ đạc rồi bước ra, chuyển chiếc ghế gập nhỏ ngồi đối diện với bố, chớp chớp mắt tựa như cô gái mười mấy tuổi, hỏi bố: “Chơi một ván chứ bố?”.
“Được thôi!”. Bố bày thế trận, sắp xếp bàn cờ.
“Bố phải nhường con một quân xe”. Cô giơ một ngón tay ra, nghiêm túc yêu cầu.
“Nhường thêm một quân mã, một quân pháo đều được!”. Bố cười gật đầu.
Hai bố con hiếm khi nghiêm túc chơi cờ, một là Phổ Hoa không hiểu lắm, hai là cô rất bận, không có thời gian. Nhưng sau khi đi Thiên Tân, mỗi lần về nhà, cô đều tìm cơ hội chơi cờ cùng bố, còn đặc biệt mua một quyển hướng dẫn chơi cờ ở hiệu sách của Thiên Tân, nhưng đọc mà chỉ hiểu lơ mơ.
Khoảng trống trong cuộc sống luôn phải nhanh chóng bù đắp, cô nghĩ bố chỉ không nói đến lỗ hổng đó nhưng trong lòng vẫn để ý. Hai bố con vừa đánh cờ vừa nói về chuyện ở Thiên Tân, bố thấy cô lúng túng trên bàn cờ, đặt con cờ trong tay xuống không ăn nữa, không nhịn được bèn vỗ đầu Phổ Hoa.
“Thiên Tân có được không?”.
“Dạ, nơi ở rất yên tĩnh, có thời gian bố đến thăm nhé?”.
“Rảnh thì đi”. Bố lui quân cờ vây đánh, chuyển sang vị trí vô hại, “Còn công việc? Không mệt chứ, vết thương trên người đều đã khỏi rồi chứ?”.
“Rồi ạ, bố đừng lo”. Nói ra Phổ Hoa có chút áy náy, cúi đầu giả vờ như đang nghiêm túc nghiên cứu nước cờ.
Cãi nhau một trận với Vĩnh Đạo, cuối cùng cả hai bên đều bị tổn thương, cô không dám cho bố biết sự thật, đợi cô khỏe rồi, hai cụ nhà họ Thi cũng ốm nặng một trận, đến Tết âm lịch cũng vẫn chưa khỏe. Nghe Hải Anh nhắc tới mấy điều này, Phổ Hoa liền cảm thấy chia tay thì phải cắt đứt triệt để, nếu không sẽ hại người hại mình.
Sau chuyện lần đó, Vĩnh Bác không hề có tin tức gì, sợ rằng cũng đang giận cô không hiểu chuyện. Cho Quyên Quyên xem bức thư viết cho bố mẹ Vĩnh Đạo, cô ấy cũng nói quá thẳng thắn, khéo léo một chút có thể họ sẽ dễ chấp nhận hơn. Nhưng Phổ Hoa lại tự hỏi, ai quan tâm cảm nhận của cô chứ?
Buổi tối trước khi đi ngủ cô giặt quần áo trong nhà tắm, khi cúi xuống ngực vẫn hơi đau, vết xương rạn liền rất chậm, để lại một vết sẹo mảnh dài, trong cơ thể vẫn còn ký ức đau đớn.
Tối chủ nhật mua vé tàu đêm trở về Thiên Tân, bố đặc biệt tiễn cô đến cửa ga tàu. Phổ Hoa xách chiếc va ly hành lý nhỏ giống như lần đầu xa nhà đi học đại học, trên đường nhiều lần quay đầu vẫy tay. Cách không xa nhưng lại cảm thấy rất xa, bên Thiên Tân rốt cuộc cũng không phải là nhà.
“Bố về đi”. Cô đứng ở chỗ rẽ cuối cùng nhìn cái bóng dài dưới ánh đèn của bố.
Dáng bố từ lâu đã không còn thẳng như xưa nữa, lưng đã còng, ánh sáng chiếu trên mái tóc bạc. Phổ Hoa không thể không thừa nhận bố đã già rồi, đến nếp nhăn ở khóe mắt cũng không còn vẻ cứng rắn như hồi bốn, năm mươi tuổi nữa, mà nhân từ hơn.
về đến căn phòng thuê ở Thiên Tân, trước hết cô bày tấm ảnh chụp chung với bố lên bàn làm việc. Lần này trở về, Phổ Hoa lấy rất nhiều đồ, những thứ khác đều để lại ở căn nhà đó. Chìa khóa Vĩnh Đạo từng dùng cũng chuyển cho Quyên Quyên bảo quản, khi có việc thì giải quyết thay cô.
Gặp lại Ngu Thế Nam lần sau, đã cách lần mời thứ ba vài ngày, cậu ấy và Cao Triệu Phong cùng một nhóm đồng nghiệp đi ăn đêm, Phổ Hoa hoàn thành xong chứng từ của công ty chuẩn bị mua đồ ăn bên đường, thế là bị bọn họ kéo đi cùng.
Đường về rất gần, Ngu Thế Nam không kiên quyết đòi tiễn, Phổ Hoa tự mình đi bộ về, trên đường đi gửi tin nhắn cho Quyên Quyên.
Mấy năm trước, Quyên Quyên từng thích Ngu ThếNam, giống như cô đối với Kỷ An Vĩnh vậy. Quyên Quyên bị từ chối thẳng thừng, sau đó tuy từng nếm qua tình yêu, nhưng Phổ Hoa luôn cảm thấy cô ấy không còn sự kích động hở ra một tí là đi thổ lộ tình cảm như hồi đó nữa.
Vì đây không phải lần đầu nhắc tới chuyện của Ngu Thế Nam, phản ứng của Quyên Quyên rất bình thường, trả lời tin nhắn không nhanh, Phổ Hoa bước tới dưới lầu nhà mình, thấy cô ấy chủ động nhắc tới chủ đề khác liền ngầm hiểu, không nói tiếp nữa.
Ban đêm mịt mờ, đèn trên tòa nhà cũ trong sân đã tắt gần hết, chỉ còn lại một hàng nơi hành lang, thẳng tắp, sáng từ tầng một tới tầng sáu. Phổ Hoa không ngủ được, ôm cốc sữa nóng khoác tấm chăn ra ban công ngơ ngẩn. Máy vi tính trong phòng khách vẫn bật, cửa sổ Chat với Lâm Quả Quả tối om. Đổi biên tập luôn cần giai đoạn làm quen thích ứng lẫn nhau, lại vì bận làm bản thảo mới nhất nên hai người không có thời gian nói chuyện.
Thực ra những ngày sống ở nhà Lâm Quả Quả, Phổ Hoa cũng thường có cảm giác muốn nói lại thôi, rất nhiều chuyện đến miệng rồi nhưng cảm thấy thiếu sót gì đó, không thể không nén lại.
Tuần đó ngoài lần Ngu Thế Nam mới ra, Phổ Hoa đều không gặp gỡ người quen hay người lạ gì hết, cuối tuần đem giấy tờ của công ty về Bắc Kinh làm. Tại sân ga, khó khăn lắm cô mới hẹn được Lâm Quả Quả cùng về, hai người mua vé ngồi cạnh nhau.
Trước khi tàu chạy, họ tranh thủ đi dạo bên bờ đê sông Hải Hà đối diện với sân ga. Lâm Quả Quả mặc váy dài, Phổ Hoa vẫn quàng khăn kín mít, chỉ lộ ra nửa gương mặt.
“Tuần này gặp vị Ngu tiên sinh đó chưa?”. Lâm Quả Quả hỏi.
“Gặp rồi, sao vậy?”. Phổ Hoa có chút lơ đễnh.
“Không sao, đếm xem một tuần cô có thể quen bao nhiêu người. Vừa tới Thiên Tân hai tuần, hình như ngoài chỗ tôi ra, cô chưa từng đi đâu nhỉ?”.
“Đã đi rất nhiều nơi rồi! Đường cổ, tòa chuông cổ, Nam Khai, bảo tàng, còn có...”. Phổ Hoa giơ ngón ta ra đếm từng địa điểm.
“Tôi nói là đi cùng bạn bè ấy. Còn nữa, ngoài những người ở công ty ra, có quen người mới nào không?”.Lâm Quả Quả như đang nghiên cứu cô.
“Vậy thì không, gặp chủ nhà một lần, ông chủ cửa hàng và người làm thuê tầng dưới nữa”. Phổ Hoa miễn cưỡng nhớ tới mấy người đó.
“Họ không tính!”. Lâm Quả Quả lắc đầu, nhảy xuống khỏi viên gạch trên đê, phủi phủi đất trên chiếc váy.
“Cô nên quen thêm nhiều bạn hơn, rồi nói chuyện”.
“Vì sao?”.
“Con người đều phải nói chuyện, người câm cũng có ngôn ngữ tay để biểu đạt bản thân, nếu không nói chuyện, sao có thể giao lưu với con người? Nếu không giao lưu với con người, sao có thể hiểu lẫn nhau? Nếu không hiểu lẫn nhau, sao có thể trở thành bạn bè? Nếu không phải bạn bè, sao có thể tín nhiệm đủ để phó thác cả đời!”. Một loạt câu hỏi của Lâm Quả Quả khiến Phổ Hoa không thể trả lời một câu nào. Cô trốn tránh chuyển hướng về bức điêu khắc đồng hồ trong màn đêm, im lặng không lên tiếng.
Lâm Quả Quả kiên nhẫn nói tiếp: “Nếu hàng ngày tôi không nói chuyện nửa tiếng với người khác, tôi chắc chắn sẽ phát điên, không thể cứ giấu chuyện trong lòng. Tiểu Bác cũng như vậy, hàng ngày đều không ngừng kể cho tôi chuyện các bạn ở nhà trẻ, ai đánh nhau với ai, ai làm hòa với ai. Không cho nó kể, thì nó không ngủ được”.
“Thế ư?”. Phổ Hoa không hiểu trẻ con bốn, năm tuổi lắm.